Lịch sử
Chùa Hoa Nghiêm, Hội Phật Giáo Chánh Giác Toronto, Ontario
Với trọng trách: Thừa Như Lai sứ Tác Như Lai Sự.
Hòa Thượng Thích Thiện Nghị đã đến thành phố Toronto thể theo lời yêu cầu của một số Phật tử tỵ nạn tại thành phố nầy muốn thành lập ngôi Chùa mà họ đã hằng bao lâu nay khát ngưỡng.
Năm 1982 Hòa Thượng đã không quản ngại khó khăn. Ngài đã cùng một số các Phật tử lúc đó được gọi là Gia Đình Phật tử Vạn Hạnh bao gồm các huynh trưởng GĐPT từ Việt Nam và các đoàn sinh trong tuổi thanh thiếu niên. Hòa Thượng đã tạm mướn một ngôi nhà nhỏ tại đường Camden phố tàu Tây làm niệm Phật đường với tên là Hoa Nghiêm. Thế là một tôn tượng Phật nhỏ, một bình hoa, một nén hương nhất là một tấm lòng vì đạo, Hòa Thượng và các Phật tử có hơn 100 người đã quì trước Đức Phật tụng một thời kinh đầu tiên trong chánh điện của niệm Phật đường Hoa Nghiêm vào tháng 9 năm 1982 và cầu xin Phật gia hộ cho Phật sự từ đây được phát huy bằng sự tu học và nhiệt tâm vì đạo của Phật tử Toronto.
Hoa Nghiêm là pháp hội thuyết pháp đầu tiên trong 21 ngày mà đức Phật đã nói sau khi Ngài vừa thành đạo dưới cội cây Bồ Đề hơn 3000 năm về trước. Hôm nay tại thành phố Toronto Niệm Phật đường Hoa Nghiêm mà sau nầy là Chùa Hoa Nghiêm sẽ là ngôi chùa Phật Giáo Việt Nam đầu tiên tại thành phố Toronto với tâm ý cao đẹp nầy Hòa Thượng muốn trao lại cho những hàng Phật tử một chân lý giải thoát nằm trong hoa tạng thế giới mà Phật tử Hoa Nghiêm phải đạt được bằng sự tu học và phụng sự Phật pháp không mỏi mệt.
Trải qua nhiều năm sinh hoạt và rất nhiều thuận duyên, Hòa Thượng đã đào tạo Đ.Đ Quãng Lượng. Vào năm 1983 Ngài đã đề cử Đ.Đ Quãng Lượng trụ trì chùa Hoa Nghiêm. Với tài năng vui vẻ hoạt bát sẵn có, Đ.Đ Quãng Lượng đã vận động Phật tử để mua lại một ngân hàng tại đường Queen vào năm 1985 với giá tiền 95,000 CAD, vì Niệm Phật đường Camden đã có quá đông Phật tử và không còn đủ chỗ để sinh hoạt hằng tuần nữa. Bắt đầu từ đây danh xưng Chùa Hoa Nghiêm được thành hình. Đ.Đ Quãng Lượng đã khôn khéo lãnh đạo để Phậtsựphát triển rất mau và rất vững mạnh, các Phật tử từ cao niên cho đến các em bé thanh thiếu niên trong GĐPT Vạn Hạnh rất mến mộ Đ.Đ trụ trì và rất hết lòng phụng sự Phật pháp.
Đến năm 1990 Đ.Đ trụ trì và Ban trị sự cùng các Phật tử và GĐPT Vạn Hạnh đã mua được một kho hàng tại 1278 Gerrard St East với giá tiền $850,000. Vừa sửa sang trong hoàn cảnh eo hẹp về tài chánh, sinh hoạt Chùa Hoa Nghiêm đã được thuận duyên phát huy rộng lớn hơn về phương diện sinh hoạt Phật sự và xã hội, nhưng lại không chú trọng về phần sửa sang Chùa cho trang nghiêm hơn.
Năm 2000 vì sự bất đồng ý kiến nào đó GĐPT Vạn Hạnh đã tách rời Chùa Hoa Nghiêm, và sau đó năm 2002 thì Đ.Đ Quãng Lượng hoàn tục trở về đời sống cư sĩ. Phật sự Chùa Hoa Nghiêm lại bước sang một khúc quanh khác trong lịch sử Phật giáo tại Canada vùng Ontario. Hòa Thượng lại trở về Chùa Hoa Nghiêm để tiếp tục Phật sự và Đ. Đ Phổ Tịnh cùng một số chư Tăng tại ĐTL đã phụ giúp Hòa Thượng trong thời gian nầy.
Cho đến năm 2003 thì Hòa Thượng ngã bệnh, Phật sự của Chùa Hoa Nghiêm lại phải qua một ngã ba đường rất khó khăn từ tài chánh cho đến tâm lý con người, Đ. Đ Phổ Tịnh đã trực tiếp thay thế Hòa Thượng giữ chức vụ là quyền trụ trì Chùa Hoa Nghiêm để tiếp tục Phật sự không bị ngưng trệ và các chư Tăng của ĐTL cũng tham gia hoằng Pháp trong lúc nầy.
Với trọng trách quyền trụ trì và Hội trưởng Chùa Hoa Nghiêm thầy Phổ Tịnh đã quyết lòng phải thực hiện Phật sự sửa sang Chùa Hoa Nghiêm mà hơn 20 năm chưa được thực hiện. Dù không được sự quyết tâm đồng ý của ban trị sự, nhưng thầy Phổ Tịnh đã cùng tất cả Phật tử chùa Hoa Nghiêm giữ vững ý định là phải sửa Chùa, hơn nữa trong lúc đó Chùa Hoa Nghiêm đã thật sự hư hoại rất nhiều từ những đường ống nước bị bể, cho đến nóc Chùa bị dột vào mỗi mùa xuân tan tuyết, rồi những trận mưa lớn làm nước tràn vào chánh điện, điện chạm xẹt lữa cùng với hệ thống lò gas, và hệ thống emergency, bảo hiểm cũng không có.
Những thảm trạng này đã xảy ra thường xuyên trong mỗi năm đã khiến Chùa Hoa Nghiêm có nguy cơ bị sập trong một vài năm nữa. Thầy Phổ Tịnh đã yêu cầu Ban Tri Sự của Chùa Hoa Nghiêm nghỉ việc với lý do đã không xử dụng tịnh tài cúng dường của Phật tử vào việc sửa chùa đúng với ước muốn của Phật tử, và trao quyền điều hành Chùa lại cho quý thầy.
Vào tháng 4 năm 2006 ban trị sự đã họp mặt tại Chùa với sự chứng kiến của Luật sư, tất cả đã đồng ý ký tên vào biên bản nghỉ việc và đã trao lại cho các thầy số tiền còn lại trong account của Chùa là 312,000 đồng, cộng với giấy tờ đã mua ngôi nhà kế bên Chùa số 1272-1274 với giá tiền là 450,000 đồng nhưng lại do hai vị Minh Đức Trần Duy Lạng và Tâm Đạt đứng tên là chủ nhà chứ không phải Chùa Hoa Nghiêm đứng tên dù họ đã sử dụng tiền Chùa để mua căn nhà nầy.
Thật là thiên nan vạn nan, lại một lần nữa thầy Phổ Tịnh đã cùng với một số Phật tử mất đi gần 20,000 đồng để chuyển tên làm chủ nhà ở kế bên từ tên của Trần Duy Lạng và Tâm Đạt sang lại là tên của Chùa Hoa Nghiêm và lo luật sư bán căn nhà cũ kỹ đó. Số tiền bán nhà chỉ còn có 354,000 đồng. Thế là trong tay chỉ có 660,000 đồng trong khi số tiền sửa Chùa do nhà thầu đưa ra là 1 triệu rưởi (1,500,000.00).
Gánh vác Phật sự trong lúc này thật là ngang trái từ những sự hiểu lầm cho đến những thị phi, thầy đã cùng chư Tăng dõng mãnh đứng lên vượt qua tất cả để tháng 6 năm 2007 bắt tay vào việc khởi công sửa Chùa.
Mặc dù thiếu thốn về tài chánh và có quá nhiều chướng duyên từ trong Chùa cho đến bên ngoài,nhưng tất cả Phật tử còn lại đều có tâm đạo tha thiết và luôn có mặt từ những năm đầu tiên thành lập Chùa đã cùng Thầy vận động tài chánh trong những buổi lễ hằng tuần tại Chùa. Số tiền của Phật tử phát tâm cho Chùa mượn lên đến 75,000 và số tịnh tài hoan hỷ cúng dường là 675,000 đồng.
Sau hơn 1 năm trường sửa chữa, ngày 2 tháng 11 năm 2008 buổi lễ khánh thành Chùa đã được long trọng tổ chức với sự có mặt gần 1000 Phật tử. Thầy Phổ Tịnh đã tán thán công đức của tất cả Phật tử đã vừa cho Chùa mượn tiền vừa cúng dường cũng như sự phát tâm của: ông Vito, Emma, D. Diệp, Peter Dimech, Peter R và các Phật tử thân thuộc của Chùa. Nếu không có những hàng Phật tử vì đạo thì Thầy cũng không làm gì được.
Sau khi sửa Chùa xong, Phật sự Chùa vẫn sinh hoạt đều đặn dưới sự hướng dẫn tu học của Thầy Phổ Tịnh chính thức đương kim trụ trì chùa Hoa Nghiêm cho đến ngày nay, bên cạnh đó còn có chư vị Đại Đức Pháp Tánh, Pháp Liên từ Đại Tòng Lâm về và đặc biệt Đại Đức Pháp Hoa từ Chùa Hải Hội Winnipeg về Chùa Hoa Nghiêm trong vài tháng hè và tháng 12, cũng như Đ.Đ Linh An từ Pháp về Chùa Hải Hội thay thế cho Đ.Đ Pháp Hoa lúc vắng mặt để Phật sự tại Chùa Hoa Nghiêm luôn luôn được tiếp tục.
Năm 2010 Thầy Phổ Tịnh đã trả hoàn tất số tiền mượn xong, Chùa Hoa Nghiêm từ đó trở về trong vị trí sinh hoạt thuần túy của Phật giáo, không tham gia chính trị và lúc nào cũng có những khóa tu lạy Sám Hối Bố tát, học giáo lý hằng tuần, khóa tu bát Quan trai hằng tháng, khóa tu Tịnh Độ trì chú Đại Bi, niệm Phật hội hằng tuần, Ban hộ niệm và đặc biệt mỗi tuần đều có cơm chay miễn phí để Phật tử được dùng cơm cúng Phật và cũng là nhân duyên để các ban trai soạn có duyên thực hành hạnh cúng dường và bố thí.
Chùa Hoa Nghiêm có những sinh hoạt thuần túy của Phật giáo và theo lời Phật dạy là hoàn toàn đứng ra ngoài những sinh hoạt chính trị xã hội, đây chính là mục tiêu duy nhứt của Thầy Phổ Tịnh khi đứng ra nhận trách nhiệm trụ trì Chùa Hoa Nghiêm Toronto.
Trân trọng kính ghi lại với tất cả sự thật và với niềm tin về Phật sự tại hải ngoại nói chung và tại thành phố Toronto Chùa Hoa Nghiêm nói riêng.
Trên đây là những dữ kiện thực sự đã được kính ghi bằng trái tim của Thầy Phổ Tịnh là vị Thầy được Hoà Thượng Thiện Nghị truyền thừa chức vị trụ trì. Thầy đã hao mòn sức lực từ tâm cho đến thân để đem Chùa Hoa Nghiêm từ hơn 20 năm kể từ ngày thành lập trở lại vị trí của một ngôi chùa thuần túy đúng với ý nghĩa của một ngôi Chùa mà các hàng Phật tử trong mỗi hàng tuần về Chùa đều cảm nhận như đang sống trong mái ấm của một đại gia đình CHÁNH GIÁC đúng ý nghĩa của nó.
Kính dâng lên Hòa Thượng vị Thầy đã khai sáng ngôi Chùa Hoa Nghiêm tại thành phố Toronto tấm lòng tri ân và cảm niệm Ngài.
Hình Bóng của Hòa Thượng luôn luôn là ngọn đuốc soi đường cho các hàng Phật tử, và là hình ảnh gương mẫu tu học chân chánh cho tất cả hàng chư Tăng hải ngoại dõng mãnh noi theo.
Nạp Tử
Phổ Tịnh kính ghi.